Chiều 20-8, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến đại biểu HĐND TP đối với dự thảo quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020 ngày 16-1-2020 của UBND TP quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TP.

Kiến nghị chưa áp dụng giá đất theo dự thảo Quyết định điều chỉnh Bảng giá đất
Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến liên quan Bảng giá đất. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Theo ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, thời gian qua có nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo Bảng giá đất mới của TP.

Sở TN&MT đã trải qua đánh giá, nghiên cứu, tư vấn các đơn vị, sau khi lấy ý kiến sẽ làm việc với hội đồng tư vấn và thực hiện các bước theo quy định rồi mới ban hành Bảng giá đất.

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, đánh giá dự thảo quyết định điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn TP đảm bảo cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và thu thập ý kiến người dân cho thấy số đông người dân chưa đồng thuận với phương án điều chỉnh này. Việc điều chỉnh này người dân cho rằng quá đột ngột, gây ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Nên chăng giai đoạn từ 1-8-2024 đến 31-12-2025 tạm thời tính giá đất theo phương án theo quyết định số 02/2020 kết hợp với hệ số K, cũng như bổ sung theo quyết định 56/2023 và quyết định 11/2024 cho đối tượng tái định cư và các tuyến đường chúng ta chưa cập nhật bảng giá.

Sau ngày 1-1-2026 TP mới áp dụng rộng rãi bảng giá đất mới. Như vậy là phù hợp, không gây thay đổi đột ngột và giảm áp lực cho người dân.

Đại biểu Cao Thanh Bình

ý kiến bảng giá đất.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị lấy ý kiến Bảng giá đất. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng việc điều chỉnh Bảng giá đất từ ngày 1-8 sẽ tác động đến nhiều đối tượng, bao gồm người dân sẽ phải nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn khi chuyển mục đích sử dụng đất hoặc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá trị tài sản tăng, giá trị bất động sản của người dân có thể tăng lên, đặc biệt là ở các khu vực có giá đất tăng mạnh.

Khi giá đất ở tăng, giá đất nông nghiệp cũng có thể tăng theo, gây khó khăn cho các hộ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp trong việc duy trì và mở rộng sản xuất.

Đại biểu Trần Quang Thắng đề xuất cơ quan tham mưu thực hiện khảo sát và tham vấn với nhiều chuyên gia, đơn vị liên quan để đảm bảo việc điều chỉnh giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường và không gây ra những tác động tiêu cực quá lớn.

Đồng thời cần có biện pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đang được xem xét để giảm bớt áp lực tài chính do giá đất tăng.

“Từ đầu năm 2024, số lượng hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về tỉ lệ phần trăm tăng chưa được công bố rộng rãi. Việc tăng đột biến này chủ yếu do lo ngại về giá đất sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, TP có thể thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa và đơn giản hóa quy trình, giảm bớt các thủ tục không cần thiết.

Bên cạnh đó là phân cấp mạnh mẽ hơn cho quận, huyện để giảm tải cho các cơ quan cấp TP” – đại biểu Trần Quang Thắng chia sẻ.

Call Now Button